Chia sẻ phương pháp và tài liệu tự học IELTS

Tiếp tục những chia sẻ của Ms Thảo Kiara. Ở phần trước, Ki đã giới thiệu kinh nghiệm đặt mục tiêu luyện thi IELTS. Sau khi đã có định hướng phấn đấu, việc tiếp theo mới thực sự khó khăn này. Phương pháp tự học IELTS tại nhà. Kinh nghiệm tự luyện thi IELTS online trực tuyến miễn phí free. Vậy Thảo Ki đã trải qua những gì để có được kết quả 7.5 IELTS. Cùng Evergreen dõi theo câu chuyện này nào!

Xem lại phần 1: Đặt mục tiêu luyện thi IELTS

 

Ms Thảo Kiara (Thảo Ki)

Ki tin vào việc TỰ HỌC IELTS – Hãy đọc đến cuối để ngã ngửa về sự thật luyện Writing của KiKi nha!

Đúng vậy! Tự học luôn là lựa chọn hàng đầu, lựa chọn tối ưu nhất! Vậy Ki đã tự học IELTS như thế nào?

GIAI ĐOẠN 1: PRE-IELTS

I. NGỮ PHÁP & TỪ VỰNG

Ki xuất phát là người sử dụng tiếng Anh cũng lâu rồi nên nắm chắc NGỮ PHÁP CƠ BẢN và TỪ VỰNG ở trình độ B1. Nếu bạn có xuất phát điểm kiểu như mất gốc ngữ pháp cơ bản, thì cần dành khoảng 2 tuần đến 1 tháng học và ôn luyện các chủ điểm ngữ pháp nhé.

Có thể lựa một vài cuốn sách sau:

Giải thích Ngữ pháp tiếng Anh (Mai Lan Hương)

  • Giải thích Ngữ pháp tiếng Anh (Mai Lan Hương): Dân tình nói là đây là cuốn kinh điển đó ạ. Vì ngữ pháp trong IELTS cũng rất căn bản thôi, nên có lẽ cuốn này là đủ rồi.

English grammar in use (Raymond Murphy)

  • English grammar in use (Raymond Murphy): Tìm trên Tiki sẽ có cả bản tiếng Việt nhé. Nhưng theo tui thì hãy học luôn bản tiếng Anh. Ngoài ra, sách này có cả phần mềm để cài đặt cho máy tính, hỗ trợ tiện lợi cho việc làm bài tập và check đáp án. Đừng hỏi link nhé, vì tui cũng không nhớ. Đã dùng từ cách đây mấy năm rồi 😀

Destination B1

  • Bộ sách Destination A1, A2, B1: Giúp nạp cả ngữ pháp và từ vựng theo chủ đề. Cứ thong thả mà học tùy theo trình độ thôi nha!

II. PHÁT ÂM

Phát âm chuẩn là CỰC KÌ QUAN TRỌNG nhé. Nó giúp bạn không chỉ tăng điểm Speaking, mà còn là nên tảng không thể thiếu để làm Listening.

Ki “trộm vía” có điểm mạnh về phần này, nên khi ôn luyện IELTS không cần lo lắng nữa. Nhưng nếu bạn cần học thì tham khảo các nguồn dưới đây nha!

1. Học từ sách

3 bộ sách dưới đây theo cá nhân Ki là cực kỳ hay và đáng tin cậy:

  • Trình độ Elementary: bộ Tree_or_Three
  • Trình độ Intermediate: bộ Ship_or_Sheep
  • Trình độ Advanced: bộ American Accent Training

2. Học từ youtube

Học youtube thì rất tiện lợi rồi, minh họa sinh động và kho video lại khủng. Nhưng cũng vì thế mà nhiều người học dễ bị sa đà vào việc (1) xem video từ quá nhiều channel khác nhau hoặc (2) xem được 1 video học tiếng Anh và rồi sau đó là hàng tá video giải trí :v

Hãy chọn 1, 2 channel mà bạn “bồ kết” nhất, rồi theo học kiên định ở đó thôi nhé!

Dành cho các bạn muốn luyện theo American Accent
  • Rachel’s English

Ki sử dụng kênh này từ những ngày đầu chập chững luyện phát âm chuẩn. Khi đi dạy cũng thỉnh thoảng mượn vài video của chị ấy để minh họa cho các bài giảng của Ki. Channel của chị ấy đạt hơn 1,3 triệu subscribers và là một trong những kết quả tìm kiếm hàng đầu cho từ khóa “pronunciation” (bộ lọc cho Channel)

  • EnglishLessons4U – Learn English with Ronnie! [engVid]

Ronnie thì dạy hài hước, cơ mà nhiều khi cổ hơi bị quá đà. Haha. Channel cũng có lượng sub rất cao, đủ rõ độ tin cậy và hấp dẫn của bài giảng rồi.

Dành cho các bạn muốn luyện theo British Accent
  • BBC Learning English

Học từ BBC thì khỏi cần bàn rồi nhé!

  • Learning English with Lucy

Học ở đây rất thích, vì cô giáo rất… xinh! ^^ Nói vậy thôi, chứ các bài học của Lucy rất dễ hiểu và gần gũi đó. Check it out!

GIAI ĐOẠN 2: IELTS INTENSIVE

Ngoài niềm tin mạnh mẽ vào khả năng tự học, Ki còn tin vào việc học “tấp tập” – Intensive Learning. Nên Ki đã nghỉ việc trong khoảng 2 tháng, bắt đầu ôn thi từ khoảng ngày 20/1, thi ngày 24/3, trừ khoảng 10 ngày chơi Tết âm lịch thì Ki đã dành trọn vẹn khoảng 1,5 tháng cho việc cày cuốc IELTS.

I. READING

Target: 9.0
Outcome: 9.0

Dù đặt target mấy chấm đi chăng nữa, thì tất cả các sĩ tử IELTS đều nên đặt mục tiêu cao nhất cho Reading. Vì đây là kỹ năng dễ để đạt điểm tối đa (hoặc điểm cao) nhất.

Có mẹo chăng? Rất nhiều bạn tìm tips, làm mẹo. Riêng Ki không đồng tình với cách học này và cũng không có mẹo gì hết nhá.

Tôn chỉ là: Read as much as possible và Read as wide as possible

(Nếu vốn từ của bạn quá nghèo nàn, tức là đọc 1 bài IELTS mà thấy 70%, 80% là từ mới thì quay lại bước Pre- IELTS nha)

Nguồn tài liệu mình đã sử dụng:

  • Cambridge IELTS từ cuốn 5 đến cuốn 12: Một tuần làm khoảng 3-4 bài và luôn làm vào 9-10 giờ sáng (để cơ thể quen với việc làm test như hôm thi thật). Làm bài trong đúng 1 tiếng nhé. Nhưng quan trọng nhất là bước check đáp án. Ki check rất kỹ, học từ những lỗi sai của mình và tra từ điển tất tần tật những từ mới có trong bài, rồi đọc lại bài nhiều lần. Vui vui hoặc thấy nội dung bài nào hay quá thì có thể dịch sang tiếng Việt. Có những bài Ki thấy nội dung hấp dẫn quá (bài về kiến trúc đặc biệt của các ngôi chùa cổ ở Nhật Bản, bài về công trình kì thú Falkirk Wheel) còn lên youtube tìm các video liên quan để hiểu cho sâu. Thường thì sẽ mất 1 buổi sáng để vừa làm vừa chữa xong 1 bài Reading của Cam.

TED Talks

  • Ted talks: Ngoài luyện Listening, Ki còn sử dụng các bài nói trên TED talks để luyện Reading và thêm kiến thức cho Writing. Ki in phần transcripts của các bài trong playlist “The 25 most popular talks of all time” rồi đọc, gạch chân các cấu trúc hay, các từ vựng đắt giá. Riêng một số bài chủ đề Education thì tui còn học thuộc lòng để nói bắt chước diễn giả (“Do schools kill creativity?” của bác Ken Robinson chẳng hạn, bài này siêu siêu siêu hay)

Trang web học tiếng Anh ed.ted.com

  • Ed.ted.com: Vì các bài đọc IELTS tuy bao quát hầu hết tất cả các chủ đề nhưng luôn mang đậm màu sắc học thuật nên Ki chọn đọc thêm các bài trên trang web này của TED. Ưu điểm cực lớn của website này là các bài học được minh họa bằng video với hình ảnh sinh động. Sau khi chọn 1 video bất kỳ theo chủ đề mình ưa thích, Ki sẽ dành 2-3 lần để luyện nghe, rồi vào mục Think để làm các câu hỏi nhanh (giúp kiểm tra xem mình có thực sự hiểu nội dung bài nghe vừa rồi không). Mục Dig deeper sẽ dẫn ra thêm nhiều nguồn bài đọc hoặc video liên quan, để người học thực sự đào sâu kiến thức của video vừa xem.
  • Psychologytoday.com: Ôi trang web này thì lại thêm ti tỉ thứ hay ho. Nghe tên web thì có vẻ “sặc mùi” tâm lý học vậy thôi, chứ nội dung đa dạng vô cùng. Càng đọc càng thêm mê mẩn.
  • Mangapark.com (cho dân thích truyện tranh): Tiểu thuyết tiếng Anh (cho dân nghiền truyện chữ), hehe. Đây là nguồn đọc xả stress và blow off some steam. Riêng mình thì chủ yếu đọc đi đọc lại mấy quyển truyện cũ (A walk to remember & The last song của Nicholas Spark, If you could see me now của Cecelia)

Nói thật, hồi trước Ki sợ Reading lắm, vì nhiều từ mới dã man. Nhưng sự thật lại là, nếu bạn muốn tăng vốn từ, bạn BẮT BUỘC PHẢI ĐỌC NHIỀU. Bởi vậy, hãy bắt đầu bằng những tài liệu cho bạn nhiều niềm vui sướng khi đọc nhất, và đọc sâu, học sâu. Như Ki thích Education chẳng hạn, liên tục trong cả tuần Ki chỉ đọc các tài liệu về Education, nên sẽ gặp những từ được lặp đi lặp lại từ bài đọc này qua bài đọc khác. Đó là cách từ vựng đó dần được ghim vào trí nhớ của chúng ta nha!

II. LISTENING

Target: 9.0
Outcome: 7.0

Đây là điểm số gây sốc và gây buồn cho Ki nhiều nhất khi nhận kết quả. Dù hôm làm bài thi cũng thấy bị tuột mất mấy câu, nhưng không ngờ lại sai nhiều như vậy. Hehe. Đó. Listening quả là đáng sợ! Vì đã nghe xong rồi là xong thôi. Không cứu được. Không đọc đi đọc lại như Reading được.

Nguồn nghe:

  • Youtube: Cái này chắc chắn là mỗi người mỗi taste khác nhau rồi. Ki thì nghe thường xuyên các channels: Practical Psychology, Pickup Limes, CNN student news, It’s OK to be smart.
  • Studymovie.net: Với series kinh điển How I met your mother và Prison break (ss5)
  • CNN World wide news: cái này là Ki cài app trên điện thoại, vừa làm việc nhà vừa cắm tay nghe vào và nghe radio thôi. Cập nhật thông tin, nghe bình luận về thế sự. Hồi đó bản tin ra rả suốt ngày về các sự kiện như Olympic, vụ lùm xùm ở Oxfarm, hay xả xúng ở trường học Mỹ. Radio rất hay phát lại, thế nên mình sẽ nghe đi nghe lại nhiều nội dung/từ vựng trong nhiều ngày liền. Kết hợp đọc thêm báo từ CNN qua app này luôn, vốn từ và kiến thức sẽ tăng đáng kể đó.

British Council Learning English podcasts

  • British Council Learning English podcasts: Tui tải về điện thoại rồi khi chuẩn bị đi ngủ thì tắt wifi điện thoại đi, hoặc để airplane mode luôn, rồi cắm tai nghe vào và nghe. Vì hồi đó hay bị khó ngủ, nên nghe cái này chủ yếu để… ru ngủ thôi. 😀 Anw, các podcasts này nội dung rất hay nhé, cover đa dạng chủ đề. Nguồn này giúp học được nhiều collocations chất để dùng cho Writing nữa.
  • Last but not least: Tài liệu Listening của bộ Cambridge Ielts từ cuốn 5 tới 12. Cũng giống như luyện Reading, quan trọng nhất khi luyện Listening là bước check và tự chữa bài làm nha!

III. SPEAKING

Target: 7.5
Outcome: 7.5

Cá nhân Ki không dành thời gian cho việc ôn Speaking theo bộ đề. Vì đã được một vài người bạn chỉ giáo là “Vào phòng thi sẽ quên sạch tất tần tật phần mình đã chuẩn bị thôi” =)). Bởi vậy, Ki chỉ dành thời gian để nghiên cứu cách trả lời các phần khác nhau của đề bài, rồi xác định được điểm mạnh, điểm yếu của mình để lúc thi đạt phong độ cao nhất.

  • Phát âm (Pronunciation): Được hiểu là đọc chuẩn phát âm từ (với cả trọng âm và âm cuối), có nối âm, có ngữ điệu trong câu. Ki đã lấy đây là một trong 2 hướng chủ đạo để giành điểm.
  • Mức độ trôi chảy và mạch lạc (Fluency + Coherence): hướng chủ đạo thứ 2 của tui đây. Hôm thi, Ki nói không ngắc ngứ ừ à gì luôn, bắn như pháo rang vậy. Nhưng lần tới thi lại, Ki rút kinh nghiệm là sẽ nói chậm đi một chút. Cứ thong thả mà trả lời thôi ý nha!
  • Khả năng sử dụng từ ngữ (Lexical Resource): Biết paraphrase đề bài và sử dụng nhiều từ thay thế nhau trong câu trả lời để không lặp từ gây nhàm chán. Đây không phải là điểm mạnh của tui, vì rất hay quên thêm idioms hoặc expressions chất.
  • Độ chính xác và sự đa dạng trong ngữ pháp (Grammar Range and Accuracy): Đảm bảo không sai ngữ pháp cơ bản. Nhưng cũng cần có nhiều dạng ngữ pháp đa dạng để bài nói thêm màu sắc nữa.

IV. WRITING

Target: 6.5
Outcome: 6.5

Nói ra thì các bạn chắc sẽ ngã ngửa, nhưng trong 1.5 tháng ôn luyện, Ki không viết một bài viết nào hoàn chỉnh, kể cả task 1. 😀 Hơi lười hah. Chăm viết hơn tí chắc điểm đã cao hơn =)). Ki có học một khóa Writing từ hồi tháng 05/2017, đến lúc ôn thi IELTS thì thực ra… trong đầu không còn nhớ tý kiến thức nào. Mở sách và tài liệu của thầy phát ra, rồi lại tự mày mò lại từ đầu.

Task 1

  • Nắm chắc cách viết của từng dạng đề
  • Lấy đề Writing trong bộ Cambridge cuốn 5 đến cuốn 12 rồi lên dàn ý
  • Xem bài viết mẫu (trên mạng) :v
  • So sánh dàn ý. Nếu thấy hướng của bài viết mẫu hay hơn, dễ viết hơn thì theo, còn thấy bài của mình hay hơn thì theo bài mình.

Task 2

  • Nắm chắc cách viết và các cách diễn đạt cần dùng cho từng đoạn của task 2
  • Xem tổng hợp các đề đã thi các năm trước (từ 2015 đến 2017)
  • Tùy theo từng dạng đề bài, chọn đề rồi lên dàn ý
  • Đọc bài viết mẫu (Ôi! Tôi chỉ là một tay lười viết)

Thực ra, mình tin rằng 90% thời lượng luyện Writing task 2 nên dành cho việc đọc. Không phải là đọc bài văn mẫu, mà là đọc tài liệu liên quan. Để có vốn kiến thức và từ vựng, nhờ vậy các luận điểm bạn đưa ra mới có sức nặng được.
Hôm đi thi, Ki đã làm task 2 trước (trong 45p), task 1 sau (trong có 15p, nên chưa viết hết thì đã hết giờ).

Ôi. Mới viết chung chung vậy mà đã cả 2 nghìn mấy trăm từ. Dần dần rồi Ki sẽ chia sẻ chi tiết hơn nữa nha!

 

Tự học IELTS – 1 điều gì đó rất khó cho những ai không thực sự cố gắng. Rất nhiều người viện cớ này nọ nào là không có thời gian, chán, không có động lực, bạn bè bọn nó cũng thế,… Lý do mà quá nhiều trung tâm tiếng Anh mở ra nhưng đa số lại chưa được như cam kết. Nếu như bạn thực sự muốn có chứng chi IELTS >6.0. Bạn ít nhất phải biết đặt mục tiêu cao hơn và luyện tập chăm chỉ. Chúc mọi người thành công và đừng quên theo dõi Evergreen đấy!

Related Post